Hành trình đưa nông sản Việt ra thế giới bằng công nghệ

Ngày đăng: 24/05/2021 04:10 PM

    Phiên bốn của CTO Talks sẽ diễn ra vào 10h ngày 25/5 với sự tham gia của các diễn giả: Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương; Ông Trần Văn Hảo - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương; Bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam. Tiến sĩ Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM, Đồng sáng lập, chủ tịch Te-food International.

    Trong phiên thảo luận thứ tư, các diễn giả sẽ cùng trao đổi về việc đưa nông sản Việt Nam ra thế giới bằng công nghệ.

    Từ trái qua phải, ông Hoàng Minh Chiến, ông Trần Văn Hảo, bà Vũ Thị Minh Tú và ông Đào Hà Trung sẽ tham gia phiên bốn của CTO Talks diễn ra vào 10h ngày 25/5.

    Từ trái qua phải, ông Hoàng Minh Chiến, ông Trần Văn Hảo, bà Vũ Thị Minh Tú và ông Đào Hà Trung sẽ tham gia phiên bốn của CTO Talks diễn ra vào 10h ngày 25/5.

    Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) trong tháng đầu tiên của năm 2021, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt của Việt Nam ước đạt 3,49 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 28,9%.

    Xuất khẩu nông sản có một số đặc thù, như cần thời gian lưu trữ, vận chuyển ngắn và cần truy suất nguồn gốc, đo lường chất lượng rõ ràng. Vì vậy, chuyển đổi số được xem là giải pháp quan trọng trong cả khâu sản xuất lẫn thương mại để đưa nông sản Việt ra thị trường quốc tế.

    Những khó khăn, thách thức để xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ được phân tích kỹ hơn dưới góc nhìn của cơ quan hoạch định chính sách, đại diện nền tảng thương mại trực tuyến và chuyên gia công nghệ.

    Một trong những ví dụ điển hình nhất của việc ứng dụng công nghệ để thúc đẩy kinh tế là ngày 18/5 vừa qua, 50 tấn vải thiều Thanh Hà thu hoạch sớm trong mùa vụ năm 2021 được các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore và Malaysia. Đồng thời, vải thiều Thanh Hà đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Lazada, Sendo và thời gian tới sẽ là một số sàn thương mại điện tử khác. Ngoài ra, Bộ cũng hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải thí điểm truy xuất nguồn gốc cho quả vải khi giao dịch trực tuyến với hơn 200 nhà nhập khẩu tại Trung Quốc, Singapore, Nhật trong thời gian từ 18 đến 20/5.

    Theo các chuyên gia phân tích thị trường, thách thức tiếp theo của nông sản Việt khi bước ra thị trường quốc tế là việc truy suất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Tiến sĩ Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM, cho rằng thế giới luôn ra những điều kiện nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc. Blockchain đang là xu hướng chung giúp cơ quan quản lý, người tiêu dùng và cả đơn vị sản xuất tránh được hàng giả, đảm bảo chất lượng. Việc xuất được dữ liệu còn giúp giải quyết những bài toán vĩ mô, không phải đưa ra các chiến dịch giải cứu nông sản như trước đây.

    "Ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống rất vất vả, nhưng những thành quả đạt được là tạo sự minh bạch, giảm chi phí cho các đơn vị, lấy lại niềm tin cho người dùng khi biết rõ những gì chúng ta ăn", ông Trung chia sẻ.

    Khương Nha

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline