Lối đi mới cho những “nhà nông 4.0”

Ngày đăng: 18/05/2021 08:20 PM

    Qua thông tin báo chí tôi được biết, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3 vừa qua, có đến 26 tấn nông sản Hải Dương tồn ứ đã được bán trong vòng 5 ngày thông qua sàn thương mại điện tử. Mới đây nhất, gần 30 tấn hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã được tiêu thụ sau 10 ngày chạy Chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp với sàn thương mại điện tử Voso.vn thực hiện. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gặp khó, người trồng hành tím ở Vĩnh Châu phải khóc ròng vì hành tím rớt giá thê thảm, tồn đọng hơn 50 nghìn tấn. Ngoài ra, từ ngày 14-5 vừa qua, trái vải thiều Thanh Hà của Hải Dương được bán trực tuyến trên sàn thương mại điện tử, được giới thiệu đến thị trường trong nước và nhiều nước khác như Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore và Trung Quốc...

    Lối đi mới cho những “nhà nông 4.0”
    Bán nông sản “online” trên sàn thương mại điện tử là một phương thức bán hàng mới mà người dân cần quan tâm. Ảnh minh họa: nguoitieudung.vn

    Mùa thu hoạch của một số loại nông sản sắp bắt đầu trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, các hoạt động giao thương chưa thể trở lại bình thường. Do đó, “chợ nông sản 4.0” này thực sự có ý nghĩa, giúp sản phẩm của người nông dân làm ra không còn phụ thuộc vào thương lái, người nông dân được quyền quyết định giá bán, không qua trung gian...; còn người mua cũng dễ dàng mua được thứ mình cần; Nhà nước có kênh giám sát và thu thuế…

    Do vậy, theo tôi, ngay cả trong tình hình dịch bệnh hay khi dịch đã lắng xuống, bán nông sản “online” trên sàn thương mại điện tử là một phương thức bán hàng mới mà người dân cần quan tâm, thay đổi căn bản tư duy trong sản xuất, phân phối, bán lẻ; từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định sản xuất. Tuy nhiên, do đặc thù của hàng nông sản mùa vụ thường là hàng tươi sống, thời gian thu hoạch và sử dụng không dài nên nếu người dân tạo thói quen ứng dụng công nghệ vào để bán và vận chuyển sẽ giúp cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, bảo đảm độ tươi, ngon, sạch.

    Rõ ràng, khi người dân, doanh nghiệp và các sàn thương mại điện tử tìm đến nhau thì thị trường, khách hàng không chỉ còn gói gọn ở phạm vi hẹp mà người nông dân có thể chủ động đưa sản phẩm của mình đến nhanh hơn với thị trường cả nước, thậm chí xuất khẩu. Điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, người nông dân tiếp cận phương thức kinh doanh mới và ở góc độ nào đó nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số quốc gia. 

    KHÁNH CHI (Lục Ngạn, Bắc Giang)

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline