Làm chủ công nghệ lõi để sản phẩm “Make in Vietnam” tự tin cạnh tranh quốc tế

Ngày đăng: 13/11/2023 10:16 AM

    Làm chủ công nghệ lõi điều khiển động cơ, đội ngũ Sharetech tin rằng các thiết bị “Make in Vietnam” sẽ hiện diện ngày càng phổ biến trong cuộc sống thông minh.

    Doanh nghiệp trẻ Việt tham gia Chương trình Tái thiết Fukushima ở Nhật

    Năm 2010, hai kỹ sư Trịnh Minh Tuynh Tú và Đỗ Đức Anh gặp nhau lần đầu khi làm việc tại Bộ phận Nghiên cứu và phát triển của Viettel, tới năm 2011 chuyển thành Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (Viettel R&D). 

    Sau 5 năm cùng tham gia nhiều dự án công nghệ cao trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế, hai kỹ sư trẻ bắt đầu theo đuổi giấc mơ về sản phẩm do người Việt làm chủ trong cả lĩnh vực công nghiệp và dân dụng.

    Năm 2016, dưới sự hỗ trợ tư vấn từ ông Ouchi Kenji – Tổng Giám đốc Misuzu Nhật Bản, Tuynh Tú và Đức Anh quyết định thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sharetech để hiện thực hóa những đam mê và khát vọng riêng của mình, với sự đồng hành của nhiều kỹ sư đến từ các trung tâm nghiên cứu lớn như Viettel, Vintech, Phenikaa, cùng ban cố vấn gồm các tiến sỹ, giáo sư danh tiếng trong nước và quốc tế… Tên gọi “Sharetech” có hàm ý chia sẻ niềm đam mê và kiến thức, kinh nghiệm làm sản phẩm công nghệ vì một thế giới tốt đẹp hơn. 

    Cũng trong năm 2016, sau khi khắc phục xong sự cố phóng xạ do “thảm họa kép” năm 2011 (sóng thần và điện hạt nhân), Nhật Bản khởi động Chương trình Tái thiết Fukushima, chào đón tất cả các giải pháp mới hữu ích về năng lượng, môi trường và dân sinh nhằm hỗ trợ người dân quay trở lại những vùng bị tàn phá. Sharetech - một doanh nghiệp Việt vừa mới “khai sinh” đã mạnh dạn đề xuất 2 giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng gồm hệ thống phát điện sinh khối (biomass) và hệ thống phát điện nhiệt dư sử dụng môi chất hữu cơ (Organic Rankie Cycle). Vượt qua một số tên tuổi lớn, giải pháp của Sharetech đã được lựa chọn và đưa vào thí điểm với những nguồn nguyên liệu sinh khối sẵn có ở Fukushima là vỏ trấu và gỗ vụn, và đặc biệt, khi biết loại tro (biochar) thu được sau quá trình này có tính chất cải tạo đất rất tốt, nhiều đơn vị xay xát tại Nhật đã áp dụng triển khai. 

     “Ở Nhật Bản có nhiều thị trường ngách mà mình không biết. Chẳng hạn, những thiết bị phát điện dưới 1kW thì ít bị quản lý và ràng buộc bởi các quy định tiêu chuẩn hợp quy khắt khe và ngặt nghèo của chính phủ. Nhờ bác Kenji tư vấn, chúng tôi đã nghiên cứu phát triển máy phát điện mini cho thủy điện nhỏ cung cấp cho các trang trại nông nghiệp ở tận khu vực miền núi, từ đó có được sự tín nhiệm để tham gia dự án Tái thiết Fukushima. Chúng tôi rất tự hào khi người Việt mình có thể chung tay góp sức giúp người dân Nhật Bản vượt qua giai đoạn khó khăn. Dự án này đã góp phần tạo một “bước nhảy” lớn đầu tiên trên hành trình phát triển của công ty Sharetech”, ông Trịnh Minh Tuynh Tú kể.

    ong tu.jpg
    Ông Trịnh Minh Tuynh Tú, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sharetech.

    Ông Sato Katsumi - Chủ tịch của Fukushima Mirai Kenkyukai từng đánh giá: “Sharetech là đối tác tin cậy, sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao giúp góp phần tái thiết Fukushima sau thảm họa kép”. 

    Hợp đồng triển khai dự án ở Fukushima được ký kết năm 2017, có thời hạn triển khai trong 5 năm, tuy nhiên, tới năm 2020, do đại dịch Covid-19, Sharetech không thể tiếp tục triển khai dự án này cho giai đoạn 2.

    Với nỗ lực vượt khó, ngay tháng 6/2020, Sharetech vẫn hoàn thành chuyển giao công nghệ máy phát điện nhiệt dư thấp cho Đại học Philipines (Philipines). Lần đầu tiên công ty phải thực hiện toàn bộ quá trình lắp đặt triển khai và chạy thử hệ thống rất phức tạp theo hình thức hướng dẫn online (trực tuyến) cho các cán bộ kỹ thuật địa phương ở Manila, nơi đại dịch lúc đó đang bùng phát.

    Làm chủ công nghệ lõi điều khiển động cơ thông minh

    “Sở hữu đội ngũ nhân sự chất lượng cao, ngay từ ngày đầu thành lập, chúng tôi đã theo đuổi định hướng phát triển các sản phẩm “Make in Vietnam” áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả sản xuất, năng lượng, y tế…”, ông Lê Lương Anh, Giám đốc Kinh doanh của ShareTech tiếp lời Chủ tịch Trịnh Minh Tuynh Tú.

    luong anh.jpg
    Ông Lê Lương Anh, Giám đốc Kinh doanh của ShareTech.

    Giai đoạn điện mặt trời “bùng nổ” ở Việt Nam, robot và tay lau tự động dùng để vệ sinh tấm năng lượng mặt trời do Sharetech chế tạo đã giúp nhiều tổ chức, doanh nghiệp vận hành các hệ thống điện mặt trời quy mô lớn tiết kiệm sức lao động và nâng cao năng suất. Nhờ sản phẩm này, năm 2021, dự án liên doanh của Sharetech với Vũ Phong Energy đầu tư Trung tâm Sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn (SHTP), nơi quy tụ rất nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ và sản xuất lớn với tiêu chí bắt buộc phải có sản phẩm công nghệ cao và dây chuyền sản xuất công nghệ cao, đã chính thức được phê duyệt.

    Những năm đại dịch Covid-19 (2019 – 2021), Sharetech với đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm về thiết kế cơ khí, điện tử, lập trình nhúng, trí tuệ nhân tạo (AI) đã kiên trì tập trung nghiên cứu nền tảng công nghệ điều khiển thiết bị, bao gồm các module điều khiển động cơ không chổi than (Brushless DC motor - BLDC) hiệu suất cao (tiết kiệm 20 - 50% năng lượng so với các thiết bị có chổi than), có khả năng ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm dân dụng, công nghiệp và cả các thiết bị IoT (Internet kết nối vạn vật).

    Trong xu thế của thế giới hiện nay, động cơ BLDC điều khiển số và có cổng giao tiếp ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong các hệ thống nhà thông minh (smart-home), nhà máy thông minh (smart-factory). Tất cả những sản phẩm dân dụng có động cơ như máy xay sinh tố, quạt, máy hút bụi, máy hút mùi, rèm cửa… sẽ được điều khiển số hoá, hoàn toàn có thể tích hợp vào các hệ sinh thái ứng dụng IoT, vừa tiết kiệm năng lượng để tạo môi trường xanh, cuộc sống xanh, tạo ra nhiều tiện ích cho người sử dụng, giúp cuộc sống thông minh hơn. 

    Dự báo thời gian tới, thị trường thiết bị gia dụng thông minh tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Đón đầu cơ hội kinh doanh này, công nghệ điều khiển động cơ đã được Sharetech đóng gói thành bộ sản phẩm Bộ động cơ thông minh; sản lượng hiện tại từ vài chục nghìn bộ/tháng dự kiến sẽ nhanh chóng tăng lên hàng trăm nghìn bộ/tháng vào năm 2024-2025.

     “Chúng tôi đã và đang hợp tác với một số doanh nghiệp Việt để thương mại hóa các sản phẩm điện cơ thông minh “Make in Vietnam” hoàn toàn do người Việt thiết kế, chế tạo và sản xuất tại Việt Nam, sẽ sớm ra mắt thị trường trong thời gian tới”, Giám đốc Kinh doanh Lê Lương Anh tiết lộ.

    anh 1.jpg
    Quá trình nghiên cứu phát triển công nghệ lõi rồi đóng gói thương mại hóa sản phẩm đòi hỏi khá nhiều thời gian và tâm huyết.

    Quá trình nghiên cứu phát triển công nghệ lõi rồi đóng gói thương mại hóa sản phẩm đòi hỏi khá nhiều thời gian và tâm huyết, cần kiên trì và sẵn sàng chấp nhận thất bại.

    “Đối với sản phẩm công nghiệp, các kỹ sư của chúng tôi phải mất tới 3 năm nghiên cứu và phát triển mới có thể làm chủ tất cả các công đoạn điểu khiển động cơ ứng dụng cho robot. Sau rất nhiều lần thử nghiệm không thành công, robot mới có thể gắp chính xác đồ vật ở đúng vị trí với lực kẹp đảm bảo giữ chắc sản phẩm với độ tin cậy, ổn định rất cao”, ông Lê Lương Anh dẫn chứng.

    Tạo ưu thế cạnh tranh quốc tế cho sản phẩm thông minh “Make in Vietnam” 

    Hiểu rằng chinh phục và làm chủ công nghệ mới là một hành trình dài, cần phải liên tục cập nhật tri thức mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là khi muốn hiện thực hóa khát vọng vươn ra thị trường quốc tế, đội ngũ Sharetech tìm nhiều “thầy giỏi” để học hỏi.

    Trung tuần tháng 4 vừa qua, các kỹ sư trẻ của Sharetech tiếp nhận khá nhiều kiến thức, kinh nghiệm hữu ích từ Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng, nhà khoa học nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực deep learning (học sâu), AI và công nghệ in 3D, người đã có 9 năm liên tiếp được vinh danh là một trong 1% nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới. Chuyến thăm của Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng còn mở ra cho Sharetech cơ hội hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và Công nghệ giáo dục (CIRTECH) trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo.

    Trước đó, đội ngũ kỹ sư Sharetech đã sang Đài Loan (Trung Quốc) tham gia chương trình đào tạo Robotics nâng cao tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Đài Loan (STUST), học hỏi thêm về cánh tay robot Delta, module thị giác máy tính, machine learning (học máy) và nhiều kỹ năng liên quan. 

    anh 2.png
    Lãnh đạo Sharetech tự tin rằng công nghệ và sản phẩm “Make in Vietnam” của mình hoàn toàn có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

    Sau rất nhiều năm thử nghiệm và chấp nhận trả giá bằng thời gian, công sức và cả tài chính, hiện tại, lãnh đạo Sharetech tự tin rằng công nghệ và sản phẩm “Make in Vietnam” của mình hoàn toàn có thể cạnh tranh trên thị trường.

    “Đối với các module động cơ thông minh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác đã từng chịu thiệt hại lớn khi cả lô hàng bị lỗi và thời gian để khắc phục xử lý quá dài, đánh mất cơ hội kinh doanh. Với lợi thế làm chủ từ khâu nghiên cứu, thiết kế đến phát triển sản phẩm, chúng tôi tự tin sản phẩm “Make in Vietnam” có thể đảm bảo chất lượng tương đương và tốt hơn, trong khi vẫn có thể cạnh tranh về giá, và có khả năng linh hoạt đáp ứng được các yêu cầu đặc thù riêng của thị trường Việt Nam cũng như thị trường thế giới”, Chủ tịch Trịnh Minh Tuynh Tú tự tin khẳng định.

    “Còn với Cobot (collaborate robot - robot cộng tác), chúng tôi có thể tùy biến theo từng yêu cầu cụ thể để tối ưu hóa hoạt động sản xuất của từng nhà máy. Theo chúng tôi thấy, thị trường Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung có rất nhiều nhà máy nhỏ lẻ, yêu cầu rất đặc thù. Cobot sẽ là thành phần không thể thiếu trong các nhà máy thông minh. Sản phẩm của Sharetech có giá chỉ bằng 70 – 80% sản phẩm của các hãng lớn trên thế giới. Chúng tôi đã có kế hoạch đưa sản phẩm “Make in Vietnam” của mình ra thị trường quốc tế, trước hết là thị trường trong khu vực”, Giám đốc Kinh doanh Lê Lương Anh cung cấp thêm thông tin.

    Ngoài những sản phẩm nói trên, Sharetech còn khẳng định năng lực "Make in Vietnam" với sự kết hợp giữa nhóm kỹ sư Sharetech với các chuyên gia và kỹ sư về thị giác máy tính để phát triển nền tảng công nghệ nhận diện khuôn mặt (FaceID) ứng dụng AI hoàn toàn thuần Việt để tạo ra sản phẩm Falcon Ai - hệ thống nhận diện điểm danh/chấm công tự động, hướng tới các tổ chức, doanh nghiệp có số lượng nhân sự lớn và yêu cầu bảo mật cao. Hệ thống có thể nhận diện nhiều người cùng lúc, bất kể họ đang di chuyển hay thậm chí đeo khẩu trang. Theo tính toán, đơn vị có khoảng 100 nhân sự khi áp dụng hệ thống điểm danh thông minh này có thể tiết kiệm từ 300 - 500 giờ làm việc mỗi tháng so với các giải pháp truyền thống như thẻ từ, vân tay, nhận diện khuôn mặt tĩnh và các nghiệp vụ hành chính khác. Sản phẩm đã được Sharetech triển khai thử nghiệm tại một số đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất và cả trường học quốc tế trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, bước đầu cho thấy kết quả tốt, hiệu suất cao.

    “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các sản phẩm “Make in Vietnam” có thể vươn tầm thế giới, và rất mong trong thời gian tới, Sharetech sẽ kết nối được thêm nhiều đối tác nữa để đưa sản phẩm Việt, thương hiệu Việt, trí tuệ Việt ra thị trường quốc tế. Người ta đã nghe nhiều tới “Made in China”, “Made in Japan” thì sắp tới sẽ quen với “Make in Vietnam”. Chúng tôi sẽ rất tự hào khi dấu ấn của Sharetech xuất hiện trong những sản phẩm “Make in Vietnam” như vậy”, nhà sáng lập Sharetech nhấn mạnh và không quên khoe dòng chữ "Make in Vietnam" được in khắc trên thân các sản phẩm của Sharetech.

    BÌNH MINH

    Nguồn: https://vietnamnet.vn/lam-chu-cong-nghe-loi-de-san-pham-make-in-vietnam-tu-tin-canh-tranh-quoc-te-2214011.html 

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline