HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC TRUNG GIAN CỦA THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TẠI CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TRONG LĨNH VỰC NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP

Ngày đăng: 20/06/2021 11:50 AM

    Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (gọi tắt là chương trình 2075) được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2075/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 nhằm mục tiêu chính: (1) Tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường; (2) Tăng tỷ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ như giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật; (3) Thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ kèm theo: hệ thống tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ, trọng tâm là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

    Sau 5 năm triển khai chương trình đã hỗ trợ được 5 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm:

    1. Nhóm nhiệm vụ định kỳ hằng năm về PTTTCN
    2. Nhóm dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ
    3. Nhóm dự án phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức trung gian
    4. Nhóm đề tài nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách  phát triển thị trường khoa học và công nghệ;
    5. Nhóm dự án xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ;

    Trong đó nhóm dự án phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức trung gian đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ, tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động liên kết các sàn giao dịch công nghệ. Về đào tạo, có khoảng trên 1.000 cán bộ làm việc trong các tổ chức trung gian là các trung tâm ứng dụng KH&CN, sàn giao dịch công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu được đào tạo các kỹ năng về thương mại hóa công nghệ, được phổ biến kiến thức về các văn bản pháp luật liên quan đến phát triển thị trường KH&CN. Triển khai hỗ trợ duy trì và phát triển cơ sở dữ liệụ trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

    Đặc biệt, từ nhiệm vụ “Hình thành và phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì triển khai thực hiện từ 2019 đến 2020 đã bước đầu hình thành được mô hình tổ chức trung gian trong trường đại học, qua đó, có thể làm hình mẫu nhân rộng thúc đẩy giao dịch công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc.

    Trong giai đoạn 2006 – 2015, tại Học viện nông nghiệp có trên 40 sản phẩm được đăng ký giống mới/ sở hữu trí tuệ, trong đó có 7 sản phẩm công nghệ được thương mại hóa thành công mang lại giá trị hợp đồng chiếm khoảng 7% so với tổng vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Kết quả chuyển giao này còn khiêm tốn so với tiềm năng nghiên cứu của Học viện. Nguyên nhân là do các nhà khoa học chưa có đơn vị hỗ trợ kết nối thị trường để thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm KHCN. Hiện tại đa số việc chuyển giao công nghệ do chính các nhà khoa học thực hiện chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn chuyển giao và kinh nghiệm thị trường cũng như kiến thức về kinh doanh công nghệ. Đây cũng là tình hình chung trong hệ thống các trường đại học nông lâm ngư trong cả nước. Cách làm thiếu chuyên nghiệp dẫn đến việc chưa gắn kết nghiên cứu khoa học định hướng với thị trường đồng thời gặp nhiểu rủi ro về vấn đề chia sẻ bản quyền. Nguồn thu từ chuyển giao để tái đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo do đó rất hạn chế.

    Để đáp ứng các mục tiêu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đáp ứng phát triển nền nông nghiệp Việt Nam phát triển với giá trị tăng cao và dựa vào công nghệ, thông qua phát triển thị trường công nghệ, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, dựa vào các bài học quốc tế như trên có thể thấy việc hình thành và phát triển tổ chức trung gian đủ năng lực phát triển các dịch vụ ươm tạo công nghệ và thúc đây thương mại công nghệ trong hệ thống trường đại học nông lâm ngư của cả nước là cần thiết. Thực hiện thành công dự án này sẽ mang tính lan toả, là bài học thực tiễn để thúc đẩy các tổ chức trung gian trong nông nghiệp của cả nước.

    Dựa trên các căn cứ pháp lý, các bài học thực tiễn quốc tế, nhu cầu xã hội tại Việt Nam và năng lực thực hiện nhiệm vụ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tham vấn các chuyên gia quốc tế đến từ các trường đại học và doanh nghiệp để xây dựng Thuyết minh nhiệm vụ “Hình thành và phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp”

    Mục tiêu của Nhiệm vụ:

    Hình thành và đưa vào hoạt động tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp.

    Thúc đẩy được hoạt động giao dịch công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp.

    Sau 2 năm triển khai, kết quả từ dự án được đánh giá có thể Góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ

    – Kết quả của việc nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến và hỗ trợ chuyển giao công nghệ sẽ giúp các nhà khoa học có thể nhanh chóng thương mại hóa được các sản phẩm khoa học mà mình làm ra, giúp đem lại các nguồn đầu tư trở lại và nâng cao vị thế khoa học cho các nhà khoa học; nâng cao nhận thức và tư duy phát triển sản phẩm khoa học công nghệ theo chuỗi từ nghiên cứu đến thị trường.

    – Sự thành công của việc xây dựng các quy định, cơ chế hoạt động cho tổ chức trung gian sẽ giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước có phương hướng xây dựng được các chính sách hợp lý thúc đẩy phát triển các tổ chức trung gian trong việc thương mại hóa và chuyển giao công nghệ trên khắp cả nước.

    – Hình thành mô hình tổ chức trung gian hoạt động hiệu quả thúc đẩy chuyển giao công nghệ, gắn kết với thị trường. Gắn kết các trường đại học khối nông lâm ngư đại diện cho cả nước thúc đẩy hoạt động chuyển giao và thương mại hoá sản phẩm KHCN nông lâm ngư một cách hiệu quả. Tăng nguồn thu từ chuyển giao công nghệ phục vụ đầu tư trở lại cho nghiên cứu khoa học.

    – Nâng cao năng lực phối kết hợp của các tổ chức trung gian nhằm tạo ra liên kết mạnh giữa khối nghiên cứu và doanh nghiệp để phát triển, ứng dụng công nghệ, tiếp nhận hiệu quả công nghệ từ viện nghiên cứu / trường đại học trong khối nông, lâm, ngư nghiệp.

    – Thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ vào thực tiễn góp phần phát triển thị trường công nghệ trong các môi trường giáo dục ở lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ quá trình nghiên cứu công nghệ đến giai đoạn tiền thương mại hóa (tập trung vào giai đoạn hoàn thiện công nghệ). Tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn đầu tư cho giai đoạn này.

    – Đồng thời, dự án có thể kết hợp một số tổ chức tại địa phương (trung tâm khuyến nông, khuyến ngư; trung tâm ứng dụng) tham gia vào mạng lưới chuyển giao công nghệ của dự án, góp phần hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Qua các hoạt động showcases, hội thảo, tập huấn của dự án có thể cung cấp kiến thức và nâng cao năng lực hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các đơn vị trung gian mạng lưới địa phương.

    – Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tại các cơ sở giáo dục. Kết quả của dự án sẽ được ứng dụng và triển khai áp khoa học tiến bộ và công nghệ các tỉnh trên cả nước. Các sản phẩm khoa học công nghệ được sản xuất trong nước có hàm lượng công nghệ cao, qua đó tăng tính cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng loại trên thị trường trong và ngoài nước.

    – Đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam: dự án góp phần xây dựng và phát triển TCTG của thị trường KH&CN tại Học viện như một mô hình thí điểm, từ đó nhân rộng ra các cơ sở đại học trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp khác. Dự án giúp nâng cao nhận thức, năng lực về thị trường KH&CN; góp phần mở rộng mạng lưới liên kết trong nước và quốc tế với Học viện. Ngoài ra, dự án còn góp phần tạo dựng các cơ hội việc làm, hình thành một dạng nghề nghiệp.

    – Đối với các nhà khoa học: được nâng cao nhận thức về thị trường KH&CN, được hỗ trợ về tài chính để ươm tạo và hoàn thiện công nghệ, được tiếp cận dịch vụ hỗ trợ khi cần đăng ký SHTT, tiếp cận thị trường, khách hàng. Các công nghệ của các nhà khoa học được cấp SHTT, được định giá, được quảng bá sẽ đảm bảo đúng giá trị khi đưa ra thị trường.

    – Đối với địa phương: TCTG sẽ là một địa điểm để các địa phương tìm đến khi cần hỗ trợ chuyển giao về KH&CN.

    – Đối với các doanh nghiệp: có nhiều cơ hội để tiếp cận, thương thảo, đặt hàng, cộng tác trong thương mại công nghệ nông lâm ngư nghiệp. Các doanh nghiệp còn được tiếp cận và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu cung, cầu phục vụ hoạt động phân tích thị trường, tiếp cận kênh truyền thông và giới thiệu sản phẩm, cũng như nhu cầu công nghệ.

    – Đối với sinh viên: có cơ hội tham gia vào quá trình ươm tạo, khởi nghiệp, được hỗ trợ các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ quá trình học tập và khởi nghiệp.

    Truyền thông Chương trình 2075

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline